Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023


Mùa mận lại đến rồi ngoài việc thưởng thức mận bằng cách ăn trực tiếp, bạn có thể nấu siro để thưởng thức vào những ngày cuối mùa nắng nóng nhé.

Công thức nấu siro mận như sau:

Nguyên liệu

- 3kg mận hậu

- 1-1,5kg đường

- Muối hạt

- 1 đốt gừng nhỏ

- Vôi tôi

- Chanh tươi

Cách làm

Sơ chế mận

Mận bỏ núm cuống, rửa sạch rồi đem ngâm với nước muối loãng khoảng 10 phút, sau đó xả lại sạch sẽ và để ráo nước.

Trong lúc đợi mận khô thì chuẩn bị 1 âu nước hoặc chậu nước, hòa 2-3 thìa cà phê vôi tôi, khuấy đều. Đợi đến khi vôi lắng cặn xuống đáy thì chắt lấy phần nước vôi trong sang 1 chậu khác. Có thể pha thêm nước, ước tính sao cho mận ngâm ngập trong nước vôi là được.

Khi đã chuẩn bị xong nước vôi, bắt đầu khía mận để ngâm. Mục đích ngâm để khử vị chát của mận và nếu ngâm bằng nước vôi thì quả mận sẽ cứng hơn. 

Bạn có thể khía các đường ngang, đường dọc xung quanh quả mận. Tuy nhiên cần lưu ý các đường khía phải đều nhau và không khía quá nông hay quá sâu. Đặc biệt là các đường khía không nên chồng chéo lên nhau và kéo dài chạm đến 2 núm trên, dưới của quả mận. Vì làm như vậy thì quả mận sẽ dễ bị nát khi nấu siro hay lúc sên làm ô mai mận.

Mận nên ngâm nước vôi trong khoảng 5-6 tiếng. Sau đó vớt mận ra, xả lại thật sạch rồi để ráo nước. Lưu ý cần phải xả lại mận thật sạch, nếu không mận sẽ dễ bị đắng vì bị đọng vôi.

Làm mận ngâm đường

Mận sau khi đã ráo nước, xếp mận vào âu để ngâm ướp cùng với đường. Cứ 1 lớp mận thì rải 1 lớp đường. Tỷ lệ mận:đường sẽ là 1: 0,5. Nếu bạn thích siro mận ngọt thì có thể dùng tỷ lệ 1 mận: 1 đường. Nếu ăn ít ngọt, bạn giảm lượng đường xuống, có thể là 1 mận: 0,25 đường.

Sau khi đã ướp đường, bạn nên đóng hộp hay chậu lại để tránh các con côn trùng bay vào. Thời gian ngâm mận đường khoảng 8-12 tiếng để mận tiết ra nước và đường tan dần. Không cần phải đợi đường tan hết mới nấu siro, vì khi nấu lên đường sẽ tan chảy. Ngâm quá lâu thì mận cũng dễ lên men.

Làm siro mận hậu

Cho hỗn hợp mận và nước đường vào nồi, cùng với 1 chút muối hạt và vài lát gừng thái sợi để nước siro đậm, thơm hơn. Bật lửa nhỏ vừa, nấu sôi hỗn hợp trên rồi chỉnh lửa nhỏ lại, để sôi liu riu.

Nấu siro mận khoảng 30 phút để mận tiết ra chất ngọt. Nấu đến khi mận chuyển sang màu nâu đỏ, bóng bẩy, màu trong là được. 

Quá trình nấu siro mận bạn không nên đảo nhiều để tránh làm nát mận. Nhất là trong trường hợp không ngâm vôi thì bạn càng phải hạn chế đảo mận. Và thay vì đảo, bạn có thể lắc nhẹ nồi để các quả mận thay đổi vị trí, vừa đỡ dính dưới đáy nồi vừa không bị nát.

Siro mận sau khi nấu được khoảng 30 phút, tắt bếp. Chắt nước siro ra âu riêng, để nguội rồi mới cho vào lọ. Nếu làm ô mai mận thì bạn có thể giữ lại 1 ít, xâm xấp mặt mận để lát sên cho ô mai được ngọt và ngon hơn.

Siro mận nguội cho vào lọ, đóng kín nắp, để nơi thoáng mát hoặc có thể để trong ngăn mát tủ lạnh. Lưu ý hũ, lọ đựng siro phải được rửa sạch sẽ, lau thật khô trước khi đổ siro mận vào. Có như vậy thì siro mận mới để được lâu, không bị úng, váng và nhanh hỏng.

Mỗi lần uống siro mận, bạn dùng 2-3 thìa canh nước siro, pha thêm cùng với ít nước lọc, đá lạnh uống rất ngon.

Cũng giống như siro dâu tằm hay ngâm mơ đường, siro mận có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, ví dụ như giảm cholesterol, bổ sung sắt, tốt cho tim mạch... Tuy nhiên vì có đường nên khi uống bạn cần điều chỉnh, tránh nạp lượng đường quá nhiều vào cơ thể, nhất là những người bị tiểu đường.

Nguồn: internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét