Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Dân gian có câu: "Tết quanh năm không bằng Rằm tháng 7". Dù gia đình còn nhiều thiếu thốn đến đâu, người Việt cũng cố gắng vun vén để trở về với gia đình dâng cúng tổ tiên 7 món truyền thống trong mâm cỗ Rằm tháng 7. Trong ngày Rằm tháng 7, hay còn gọi là Lễ xá tội vong nhân, người Việt lại làm mâm cơm để tưởng nhớ đến người thân và thiết mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát. Có hai cách làm cơm cúng Rằm tháng 7: một là các món chay; hai là mâm cơm mặn để cúng. Tuy nhiên hiện nay, khá ít người làm món chay để cúng. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, Lamsao.com xin hướng dẫn các bạn cách làm mâm cơm cúng mặn cho Rằm tháng 7.

1. Xôi đỗ xanh bở mềm, thơm nức mũi 

Trong bất cứ mâm cỗ nào của người Việt, món xôi là món không thể thiếu khi cúng tổ tiên. Chính vì vậy, theo truyền thống nhà nhà thường nấu xôi đỗ xanh để cúng rằm tháng 7. Đĩa xôi mềm dẻo, thơm nức mũi, hạt gạo nếp trắng tinh xen đều là hạt đỗ xanh bở mềm là gợi ý hoàn hảo cho mâm cỗ truyền thống của người Việt.



Để nấu xôi đỗ xanh, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau đây: 

-  1,5 bát gạo 

-  0,5 bát đỗ xanh đã bỏ vỏ (có thể cho ít, nhiều tùy theo sở thích) 

-  ½  thìa muối 

-  2 thìa đường / 1 thìa mật ong 

- 1/3 bát con nước cốt dừa (nếu có) 

Cách nấu xôi đỗ xanh: 

- Gạo và đỗ cho ra thau, đổ nước ấm ngập mặt gạo và đỗ. Ngâm trong vòng 4-5 tiếng (hoặc trước khi đi ngủ ngâm gạo đỗ, sáng hôm sau nấu), tùy theo nếu có thời gian, còn nếu không thì 3 tiếng cũng được. Gạo ngâm trước sẽ giúp xôi dền, dẻo, mềm hơn rất nhiều đó bạn. 

- Gạo đỗ sau khi ngâm nở to hơn, đem vo nhẹ, xóc, để ráo nước. Cho muối, đường/mật ong vào xóc đều để gạo ngấm rồi đổ gạo vào chõ đồ chín. Khi xôi đã chín tới lần 1, bạn mở chõ ra để đảo đều nước cốt dừa vào xôi rồi hấp tiếp khoảng 15 phút nữa là chín. 

- Xới xôi ra khuôn rồi ép thành khuôn có hoa văn đẹp mắt để cúng tổ tiên.

2. Gà luộc hấp dẫn, vàng ươm 

Trong bất cứ mâm cỗ mặn nào, món gà luộc là món làm cỗ không thể thiếu. Người ta chọn mua những con gà sống với cái mào đỏ rực, đem về làm sạch rồi luộc chín, quết thêm thứ mỡ gà vàng ươm cho mình gà căng bóng. Khéo tay hơn, người ta vặn mình con gà để hai cánh kết vào cái mỏ, cài thêm bông hoa hồng tươi hoặc bông hoa được tỉa bằng ớt... để dâng cúng tổ tiên.  



Để có một đĩa thịt gà luộc mềm ngon đẹp mắt trong ngày lễ tết thật không khó chút nào đâu nhé! Cùng học cách luộc gà tuyệt ngon với chúng tôi để cúng rằm tháng 7 sắp tới. Cách luộc gà cúng không giống như gà luộc bình thường. Bạn cần khéo léo, tỉ mỉ để gà cúng luôn có màu vàng ươm, đẹp mắt, thịt chín đều không bị nát.

Để luộc gà, bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau: 

- 1 con gà (có thể chọn gà ta hoặc gà Tam Hoàng).  

- 1 củ gừng 

- 3 củ hành tím 

- 5-7 lá chanh 

- 5g muối 

- 1 củ nghệ 

- Mỡ gà 

- Nồi to 

Cách luộc gà ngon   

- Đầu tiên, mình đặt gà vào nồi rồi đổ nước lạnh xâm xấp ngập con gà. 

- Sau đó, cho 1 thìa muối vào hòa với nước. Đập dập gừng và cắt đôi hành tím ra rồi cho vào nước rồi đun thịt gà lửa to trong vòng 5 - 10 phút, đến khi nước sôi thì vặn lửa nhỏ để nước luộc sôi liu riu cho chín ở bên trong mình gà. Không nên để sôi sùng sục để tránh làm rách da gà. Đến khi gà sôi vừa, mình vặn nhỏ lửa lại nhé! 

- Trong lúc đợi thịt gà sôi, chúng mình làm sốt nghệ để phết lên da gà nhé! Đập dập 1 củ nghệ. Cho mỡ gà vào chảo nhỏ rồi rán lên cho đến khi mỡ bắt đầu chảy ra. Cho nghệ vào mỡ gà rồi tiếp tục rán cho đến khi được hỗn hợp màu vàng đẹp mắt. 

- Tiếp tục đun khoảng 15 phút rồi tắt bếp và ngâm gà trong nồi thêm 30' nữa. >>> Mách nhỏ: Để thử xem gà đã chín chưa, mình dùng tăm đâm vào phần thịt dày nhất, nếu tăm không có màu hồng thì thịt đã chín đều rồi đấy! 

- Sau khi luộc chín, mình nhấc gà ra rồi nhúng ngay vào chậu nước sạch để nguội có đá lạnh. Bước này sẽ giúp da gà được căng giòn đấy! 

- Dùng hỗn hợp mỡ gà và nghệ bôi đều lên da gà để có màu vàng ươm đẹp mắt. Nhiều gia đình để nguyên con gà đã luộc, nhồi lòng mề luộc vào trong bụng gà để cúng Rằm. Còn nếu bạn muốn chặt gà ra để cúng, bạn nhớ để gà nguội hẳn rồi hẵng chặt ra các bạn nhé! Chặt gà cũng là một nghệ thuật làm sao để đĩa thịt gà được chặt thật đẹp, miếng nào ra miếng nấy thì phải có bí quyết.

3. Miến nấu lòng gà dai dai 

Sau khi luộc gà xong, bạn tận dụng phần nước luộc gà ngọt lừ, cùng phần lòng mề bổ dưỡng để nấu miến nhé! 



Nấu một bát miến lòng gà dâng cúng Tổ tiên sau để thưởng thức và cảm nhận hương vị ngày rằm tháng 7 mới tuyệt vời làm sao. Món miến lòng gà với sợi miến dai dai, sần sật, lòng gà thơm lừng, nước dùng ngọt tự nhiên khiến cho bất cứ ai thưởng thức cũng thấy ngon miệng.

4. Món nem rán nóng giòn 

Nem rán là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp rằm, lễ tết. Nem rán từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của người Việt Nam, đặc biệt là người dân miền Bắc. Không chỉ trong dịp lễ Tết, ngay cả cuộc sống đời thường nhiều gia đình vẫn thường rán nem để đổi bữa. 



Nguyên liệu để làm nhân nem rán gồm: thịt lợn nạc (ngon nhất là nạc dăm) băm nhỏ, thịt cua bể hay tôm nõn, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, giá sống (hay củ đậu), trứng, hạt tiêu, muối, gia vị… Tất cả trộn đều rồi dùng bánh đa nem (miền Nam gọi là bánh tráng) đã được nhúng nước cho mềm gói lại thành những cuốn tròn rồi rán chín vàng trong chảo ngập mỡ. Nem rán xong phải vàng giòn bên ngoài, bên trong nóng hôi hổi mà thơm đậm đà thứ nhân thập cẩm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa giữa vị mặn của nước mắm ngon, vị ngọt của đường, vị chua của chanh (hay dấm) rồi hòa chung với nước lọc, thêm vào ít tỏi băm nhỏ, vài lát ớt tươi sao cho vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay, dậy mùi thơm của tỏi, ớt. 

Cách làm nem rán khá đơn giản, vì vậy, đừng quên làm món nem rán để cho mâm cỗ cúng rằm tháng 7 thêm đầy đặn, phong phú với 7 món truyền thống nhé!

5. Đĩa giò lụa mềm thơm 

Trong mâm cỗ truyền thống, ai ai cũng không thể quên đặt 1 đĩa giò lụa được tỉa khéo léo hoặc xếp thật ngay ngắn, giản đơn bên các món gà luộc, đĩa xôi. Đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu. Giò là thịt giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang, rồi mang luộc, nhưng hấp thì giò ngon hơn. Giò thái theo khoanh, trắng mịn, bày lên đĩa, phải sắt giò cho gọn, trông đẹp mắt và dễ gắp. Khoanh giò trắng mịn, có vài lỗ nhỏ bằng hạt gạo do nước thoát ra thành bọt khi hấp, đó là giò lụa, làm bằng thịt heo (người Bắc gọi là thịt lợn). Nếu dùng thịt bò thì chỉ còn tên là giò bò. 



Ngày nay, giò lụa được bán rất nhiều ở chợ hoặc siêu thị. Nếu mua được khúc giò lụa ngon, còn nóng hôi hổi, bạn hãy mua về để xắt khoanh dâng cúng tổ tiên. Còn nếu có thời gian, hãy học cách làm giò lụa. Giò lụa làm tại nhà vừa ngon, đơn giản lại an toàn.

6. Nộm gà xé phay giòn mát 

Bên cạnh những món nem, giò chả dễ gây ngán trong mâm cỗ ngày rằm, người Việt không thể thiếu món rau nộm. Nộm có nhiều khúc biến tấu khác nhau: nộm rau muống, hoa chuối, xu hào…. nhưng tựu chung đều rất đơn giản, dễ làm và rất được ưa chuộng trong mâm cỗ cúng tổ tiên. 

Với cách làm nộm gà xé phay ngon, bạn sẽ có ngay món ngon trong 7 món cho ngày rằm tháng 7 cho gia đình. Cách làm gà xé phay không khó chút nào cả, bạn hãy làm món gà xé phay này để mâm cỗ cúng rằm của gia đình thêm tươm tất nha. 



Với cách làm nộm gà xé phay như thế này bạn có thể yên tâm là hành tây rất giòn, ngon, không bị hăng. Nộm gà xé phay vừa ngon, mát, giòn giòn, rất thích hợp cho mâm cỗ cúng rằm. Vị mềm ngọt của thịt gà, bắp cải cùng hành tây giòn mát cùng nước trộn chua chua ngọt ngọt thấm đẫm từng miếng gà xé phay khiến ai cũng nức nở khen ngon. Đừng bỏ qua một món ngon như gà xé phay trong ngày rằm cổ truyền đang tới gần, bạn nhé!

7. Món tráng miệng: Bát chè sen long nhãn thanh lọc cơ thể 



Nhãn đang vào mùa, bạn hãy nấu món chè sen long nhãn thơm mát để dâng cúng tổ tiên nhé! Chắc chắn hương vị mát lành của bát chè sen long nhãn không chỉ khiến mâm cỗ gia đình thêm thanh tịnh mà còn giúp gia đình giải nhiệt trong những ngày nắng nóng nhé! Đây cũng chính là món cuối cùng trong 7 món nhất định phải có trong ngày rằm tháng 7.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét